Cô Thuý Quỳnh, 29 Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: 1.Tạp chí Thế giới số Tết Bính Tuất có bài giải thích về hai từ chó và má. Theo tác giả Ba Duy (TPHCM), má cũng là chó; phân biệt là ở chỗ: chó thì không ăn thịt chó, còn má thì ăn cả thịt, cả xương chó nếu ta vứt cho nó. Tôi đã tra cứu:
-- Từ điển Khai trí tiến đức,
-- Tự điển Việt Hoa Pháp của G.Hue,
-- Đại từ điển tiếng Việt (Nxb Văn hoá - Thông tin, 1999)
-- Từ điển phương ngữ tiếng Việt (Đặng Thanh Hoa),
-- Từ điển phương ngữ Nam Bộ (Nguyễn Văn Ái chủ biên),
-- Từ điển từ cổ của Vương Lộc, v.v.
thì không thấy sách nào nói có con má (một loại chó ăn thịt chó) cả mà đó chỉ là một hậu tố (suffixe). Ví dụ: chó má, lúa má, giống má, thuế má, giấy má, v.v.. Ngoài ra, má còn là mẹ trong phương ngữ Nam Bộ:
Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào má coi.
(Ca dao)
hoặc còn là mạ trong tiếng Trung Bộ:
Em về đếm má trữa nương
Thì anh đây đếm được mấy xương con cá kình.
(Hát phường vải Nghệ Tĩnh)
Thế thôi! Không thấy có con “má” kia.
2. Cuốn Dân tộc qua các câu ví, tục ngữ, phương ngôn, phong dao, ca vè... của Nguyễn Đình Thông có ghi câu:
Bụt Nam Sang lại từ xôi chiêm
Nhưng Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân thì lại ghi:
Bụt Nam Sang lại từ oản chiêm
và giải thích: “Vùng Nam Sang ở Nam Định là vùng chiêm trũng. Phê phán người khó tính coi thường những thứ mình sẵn có mà đòi hưởng những thứ cao xa.
Còn Thành ngữ tiếng Việt (Nxb KHXH, 1978) thì lại ghi:
Bụt lại từ oản chiêm
và giải thích: “Từ chối cái vẫn rất ưa thích, từ chối một cách không bình thường.”
Xin nhờ ông An Chi cho biết ý kiến.