Ông Nguyễn Hoà Nghị, Bình Thạnh, TPHCM: Trong bài phỏng vấn nhan đề “Chữ nghĩa Truyện Kiều cần nhiều người tranh luận” do Giao Hưởng thực hiện, đăng trên báo Lao Động, ngày 22-1-2006, GS Nguyễn Tài Cẩn có nói về chuyến đi giảng dạy của ông tại Đại học Paris VII hồi đầu thập niên 1980. Theo lời GS, tại Pháp, ông đã “bám riết cụ Hoàng Xuân Hãn để thu thập Truyện Kiều.” Rồi ông nhắc lại lời của cụ Hoàng:
“Ở bên nhà từ đầu TK20 đến nay chỉ dựa vào bản Kiều Oánh Mậu in năm 1902, thoáng có nhắc tới bản Liễu Văn Đường 1871 nhưng không có trong tay, vậy ta phải dựa vào những bản TK19, càng xưa càng tốt, càng nhiều càng tốt”. Về phần mình, GS Nguyễn Tài Cẩn khẳng định: “Và tôi đã nghiên cứu 8 bản Kiều đời Tự Đức có tại nhà cụ Hãn.”
Xin ông An Chi cho biết, 8 bản Kiều đời Tự Đức mà GS Nguyễn Tài Cẩn đã có vinh dự nghiên cứu tại nhà của học giả Hoàng Xuân Hãn (bên Pháp) là những bản nào. GS cũng nhắc đến chủ trương của học giả Hoàng Xuân Hãn là “phải dựa vào những bản (Kiều) càng xưa càng tốt”. Xin ông An Chi cho biết có phải học giả họ Hoàng là người đầu tiên và hoặc duy nhất có chủ trương như thế hay không?