Tôi có một “lão bạn” vong niên đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhờ ơn trời lão vẫn còn “chân cứng đá mềm”. 12 năm trước lão tròn sáu mươi xuân và vợ lão đã quá cố từ rất lâu. Bạn bè thấy lão tuổi già cô quạnh nên tìm cách mai mối cho lão một người để hủ hỉ qua những đêm trường giá lạnh.
Trong suốt hơn mười năm lão vui duyên mới tuy không đậm tình nhưng cũng gọi là nặng nghĩa. Vậy mà một ngày buồn, lão phải tạm biệt vợ để lên đường làm nhiệm vụ giữ cháu ngoại cho con. Hôm tiễn con lên tàu từ ga Sài Gòn đi Hà Nội, nhiều bạn bè chống gậy oán trách: “Sao thương con chi mà thương dại thương dột”.
Số là lão có một người con gái với vợ trước, năm nay đã ngoài 30, nhan sắc cũng không kém cạnh gì ai. Ấy vậy, con gái lão lại có tính gàn và có con nhưng không biết chồng là ai. Một lần con gái lão ra Hà Nội chơi nghe ngoài đó làm ăn được thế là chỉ trong 10 hôm cô ấy đã khăn gói, dọn nhà ra thủ đô làm việc.
Khi ở Sài Gòn, tuy lão cũng phải bỏ vợ bơ vơ đến nhà con giữ cháu, nhưng giữ cháu thì lão vẫn còn thời gian cho đôi tình già gặp nhau. Lần này, đường xa vạn dặm, tuổi đời lại cao, Hồ Gươm đang vào mùa đông giá, không hiểu lão có chịu được cái rét không?
Tình cảm của con người là thứ khó lý giải nhất. Nhiều bè bạn đồng niên với lão la lối om sòm: “Ông thương con cũng vừa vừa thôi chứ. Ở tuổi tụi mình phải được chúng nó báo hiếu, chứ ông lại đi làm ôsin thế này sao? Người ta 19 – 20 tuổi có thể làm mẹ rất tốt, con ông đã hơn 30 lẽ nào không biết tự lo cho gia đình”. Hôm lão chia tay đi Hà Nội, vợ lão giận quá không thèm nhìn mặt lão, bà có cảm giác bị bỏ rơi. Mọi hờn giận hay những lời trách móc nghe đều có lý, còn lão chỉ cười xuýt xoa: “Sáu tháng là tôi lại vào”.
Lão nói thế thôi, chứ đã ra đi giữ cháu mọn trong khi con lão lại gàn thế thì biết khi nào mà “xong nhiệm vụ”? Tất cả bè bạn của lão chỉ mong trời mùa đông phương Bắc mặt trời chậm đi ngủ sớm để lão còn chút nắng hiếm hoi trong ngày sưởi ấm tuổi già cô quạnh.
Cha mẹ thương con bể trời lai láng/Con thương cha mẹ tính tháng tính ngày. Ông bà ta xưa lại có lý vì rất nhiều “ông bà lão” làm cha mẹ cho đến hơi thở cuối cùng. Vâng, cha mẹ lo cho con đó là trách nhiệm cả đời và hơn cả trách nhiệm đó là thiên chức, là bản năng. Rất hiếm bậc làm cha mẹ đòi hỏi con cái mình phải chu toàn báo hiếu. Rất nhiều người thấy con khổ còn không cầm lòng được. Thế còn những đứa con thì sao? Đâu được nhiều trên cõi đời này những đứa con biết nghĩ đến cha mẹ! Trong xã hội hiện đại, dường như những đứa con sống rất ích kỷ với cha mẹ chúng. Chúng chỉ biết đòi hỏi, vòi vĩnh như những đứa trẻ nhiều tuổi và to xác. Và cha mẹ chúng phải gồng mình gánh chịu.
Lại một ông bạn già nữa của tôi chịu cảnh đày đoạ vì con. Ông bạn than thở: “Mình già rồi, nhu cầu vật chất khi xưa cần cũng là để cho con, bây giờ yếu rồi, ăn cũng không nhiều mà mặc cũng đâu cần đẹp. Chỉ khổ tâm khi thấy con cái đã lập gia đình lại suốt ngày cãi nhau”. Theo ông bạn, con gái ông và rể đang đòi ly dị. Một ngày ông phải chạy tới chạy lui làm “hoà giải viên” bất đắc dĩ. Vì thế nên tối nào đi ngủ ông cũng phải uống thuốc đau đầu.
Sao vậy nhỉ? Đời người làm nhiệm vụ bao nhiêu năm thì đủ nhất là với những đứa con không bao giờ để yên (chứ chưa nói đến quan tâm) cho người sinh thành dưỡng dục chúng?