Ngày 15/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền. Dự án này quy định chi tiết các hành vi chống rửa tiền với 5 chương và 53 điều.
Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình cần thiết phải ban hành Luật với lý do là Việt Nam đang là đích đến của loại tội phạm rửa tiền quốc tế do đặc thù sử dụng tiền mặt là phương tiện thanh toán chủ yếu. Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (từng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: "Việc cho ra đời luật này cũng thể hiện cam kết cao của nước ta đối với các tổ chức quốc tế về chống tham nhũng".
Ông Kiêm đề nghị cần đưa cả vấn đề chống khủng bố vào luật. Bởi lẽ, tất cả hoạt động rửa tiền hiện nay đều liên quan chặt chẽ đến hoạt động khủng bố và ngược lại. Bên cạnh đó, 2 vấn đề rửa tiền và khủng bố đang được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm. "Tôi đề nghị luật cần bổ sung thêm dung phòng chống tài trợ tội phạm khủng bố liên quan đến tiền tệ", ông Kiêm nói.
Tuy nhiên đại biểu Lương Văn Thành, đoàn Hải Phòng lại cho rằng với phạm vi hẹp của luật, chỉ nên quy định về hành vi rửa tiền và loại tội phạm này. Nếu đưa thêm vấn đề khủng bố và tài trợ khủng bố, các quy định mờ nhạt, thiếu trọng tâm, không chi tiết. Do vậy, ông Thành đề nghị cần tách riêng vấn đề tài trợ khủng bố ra khỏi đề án Luật Phòng chống rửa tiền vì đây là vấn đề lớn, phức tạp và liên quan nhiều đến an ninh quốc gia.
"Hành vi tài trợ cho khủng bố là hành vi nhằm chống chính quyền nhân dân nên cần được nghiên cứu quy định cụ thể. Ngoài ra, Quốc hội cũng đưa dự thảo luật này vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012", ông Thành đề xuất.
Đại biểu đoàn Hà Nội - Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng cho rằng nội dung khủng bố đang thể hiện khá mờ nhạt trong dự thảo Luật. Vì vậy, bà Hường nhất trí nên xây dựng một nguyên tắc chống khủng bố trong luật này.
Tại nhiều phiên thảo luận trước, nhiều đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn vấn đề tài trợ khủng bố trong Luật. Bên cạnh đó, họ cũng băn khoăn về cơ quan chủ trì phòng chống rửa tiền. Nhiều đại biểu đề nghị không nên giao cho Ngân hàng Nhà nước mà nên giao cho cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an để phù hợp với các quy định hiện hành về đấu tranh phòng chống tội phạm.