Kết hối xuất phát từ việc ngoại tệ sở hữu của Nhà nước quá ít trong khi đồng ngoại tệ được lưu thông thoải mái ngoài xã hội. Điều này dẫn đến việc Nhà nước khó quản lý được tỷ giá ngoại hối và khi cần huy động một khoản ngoại tệ lớn sẽ gặp khó khăn.
Hồi năm 1998, trước tình hình vừa nói, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tỷ lệ kết hối đối với các tài khoản vãng lai của doanh nghiệp là 80%. Theo đó 80% ngoại tệ có được qua buôn bán với bên ngoài được thể hiện trên tài khoản của doanh nghiệp phải bán cho Ngân hàng Nhà nước và khi doanh nghiệp cần thanh toán đối ngoại thì ngân hàng sẽ bán lại.
Vào thời kỳ ấy, ngân hàng ra qui định kết hối nhưng khi doanh nghiệp cần thì lại không được cung ứng đầy đủ. Do đó nhiều doanh nghiệp phản ứng với qui định này và họ yêu cầu ngân hàng phải tỏ ra công bằng hơn trong thực hiện chính sách kết hối. Cách đây mấy năm, do khuyến cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong kế hoạch giúp cải tiến tình hình tài chính của chúng ta, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng qui định này với mức kết hối là 40%. Mới đây, vào ngày 15-5-2002, qui định kết hối bắt buộc đối với tài khoản vãng lai của doanh nghiệp thêm một lần nữa được điều chỉnh, nay chỉ còn kết hối 30%. Lại thêm một lần nữa, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng cam kết với Quỹ tiền tệ quốc tế sẽ bỏ dần kết hối để vào năm 2003 các doanh nghiệp sẽ không còn bị bắt buộc phải bán ngoại tệ mình kiếm được cho Ngân hàng.
Việc giảm kết hối vừa nói cho thấy hiện nay dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế đã cao hơn trước, Ngân hàng Nhà nước có khả năng huy động ngoại tệ và can thiệp vào các biến động của tỷ giá. Quan điểm của IMF nhiều năm qua cho rằng việc kiềm chế tỷ giá như lâu nay là do chúng ta đã đánh giá quá cao đồng nội tệ và như thế không có lợi cho xuất khẩu. Quan niệm này không phải đã được sự đồng tình của số đông chuyên viên kinh tế trong nước vì họ cho rằng biện pháp cơ bản đấy mạnh xuất khẩu không phải là hạ giá đồng nội tệ mà phải điều chỉnh các chủ trương chính sách thuộc về căn bệnh của nền kinh tế. Với biện pháp giảm kết hối vừa ban hành, đồng ngoại tệ được “giải phóng” khỏi Ngân hàng Nhà nước có khả năng làm cho đồng nội tệ bị mất giá và tỷ giá sẽ được điều chỉnh. Tất nhiên việc giảm tỷ lệ kết hối được doanh nghiệp hoan nghênh vì giúp họ có sự chủ động trong việc sử dụng ngoại tệ.
Cùng với việc giảm tỷ lệ kết hối, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu giảm rộng biên độ dao động tỷ giá (hiện nay là 0,1% sẽ lên 0,5%) như vậy đồng ngoại tệ có khả năng lưu thông nhanh hơn.
Dưới cách nhìn của nhiều doanh nghiệp thì các biện pháp này cho thấy Ngân hàng đang hướng hoạt động của mình vào kinh tế thị trường hơn nữa.