Kiến Thức Ngày Nay Online - Tạp chí thông tin Việt Nam - Cập nhật thông tin 24 h | Tin tức | Ba nhà văn tiên phong và ba cuốn truyện văn xuôi bằng quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ
   Thời sự
   Kiến thức
   Tư vấn
   Văn hóa & Nghệ thuật
   Multimedia
   Tòa soạn và bạn đọc
   Thư giãn
   Kinh tế

   Các nhà tài trợ vàng


Đại Hồng Phúc
 
 
Nata Hoa Linh
 
 
Tài trợ tạp chí Kiến Thức Ngày Nay
 
 
Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Tây - Ích Tâm Khang
 
 
Công ty Nguyễn Lê - Nước uống tinh khiết NEED

 

   Thành viên xuất sắc
Thành viên tích cực nhất tại diễn đàn:
Người đứng đầu:
zcuanhz (141 bài gửi)

02: teobathe (78 bài gửi)
03: sinnova (44 bài gửi)
04: thanhdat93 (37 bài gửi)
05: huongtram8195 (24 bài gửi)
06: tranjessica (23 bài gửi)
07: jessicatran (18 bài gửi)
08: reborn (18 bài gửi)
09: cpvdesign (15 bài gửi)
10: bimat (14 bài gửi)
   Software hữu ích
5 file mới nhất

1. Âm dương lịch Việt Nam
2. Cliptrans 0.9.7 Beta
3. NetSend GUI 0.50
4. Á Việt Net Monitor
5. FAQGenie 1.3.0

Chuyển đến danh mục Files
   Chơi Games Online

Xe máy địa hình

Chỉ cần dùng các phím mũi tên nhưng phải khéo léo một chút.

Polar jump


Cặp đôi hoàn hảo


Burgers and bombs


Hugo 2


Các Game Online khác

   Xem và nghe Online
Cho Anh Ngủ Trong Trái Tim Em(Lam Trường)
Trễ Hẹn Nữa Rồi(Lương Bích Hữu)
TVTN 3(TVTN 3)
True Faith (Twelfth"s Morning)(New Order)
Dĩ Vãng Cuộc Tình(Tuấn Hưng)
J. S. Bach - Loure(Vanesa Mae)
Khúc Ru Tình(Quang Dũng)
TVO-10(TVO-10)

Xem nghe các tác phẩm khác

 


Ba nhà văn tiên phong và ba cuốn truyện văn xuôi bằng quốc ngữ đầu tiên của Nam bộ
21/05/2006

Xem hnh
Các nhà tài trợ kim cương


Hồ Biểu Chánh trong hồi ký Đời của tôi về văn nghệ đã cho rằng có ba tác phẩm ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển hướng sáng tác của ông. Đó là Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản, Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Thiên Trung (tức Trần Chánh Chiếu) và Phan Yên ngoại sử (1910) của Trương Duy Toản (1).

Điều trước tiên dễ nhận thấy của ba nhà văn tiên phong này (và cũng là của nhiều nhà văn Nam Bộ khác ở đầu thế kỷ) là tinh thần dân tộc rất cao. Trần Chánh Chiếu có quốc tịch Pháp, vốn là người Công giáo, làm đến chức tri phủ nhưng lại hoạt động tích cực trong phong trào Minh Tân. Người đương thời gọi là ông Phủ Minh Tân. Và cũng chính vì cái “tội đại ác” này mà ông đã bị thực dân Pháp bắt giam. Trương Duy Toản cũng sớm có mặt trong phong trào Minh Tân và trên đường hoạt động cũng đã bị mật thám Pháp bắt tại Paris. Ông phải ngồi tù tại khám đường La Santé cho tới năm 1916 mới được trả về Việt Nam.


Nguyễn Trọng Quản không hoạt động chính trị sôi nổi như Trần Chánh Chiếu và Trương Duy Toản nhưng qua bài  tựa Thầy Lazarô Phiền cũng cho thấy ông có một ý thức dân tộc rất đáng trân trọng. Viết Thầy Lazarô Phiền (1887), ông có ý muốn “làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay; trước là làm cho trẻ con ham vui mà tập đọc, sau là làm cho các dân các xứ biết rằng: người An-nam sánh trí sánh tài thì cũng chẳng thua ai!”(2).  Ông cũng là người nhiệt tình ủng hộ phong trào Minh Tân của Trần Chánh Chiếu.


Ba nhà văn này lại có một mối quan hệ khá thú vị. Nguyễn Trọng Quản chính là người vẽ tranh minh hoạ cho Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiên Trung  và Phan Yên ngoại sử  của Trương Duy Toản. Trần Chánh Chiếu và Trương Duy Toản còn là đồng chí của nhau trong phong trào Minh Tân và Đông du.


1. Nguyễn Trọng Quản sinh năm 1865, quê tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), là học trò và cũng là con rể của Trương Vĩnh Ký. Thuở nhỏ ông là một học sinh ưu tú nên năm 1880 được chọn đi du học ở Lycée D’Alger, nước Algérie. Cùng đi có Diệp Văn Cương. Trương Minh Ký là người được giao trách nhiệm dìu dắt nhóm học sinh này.  Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Trọng Quản về nước làm giáo viên rồi làm giám đốc Trường Sơ học Nam Kỳ vào những năm 1890 - 1900.


Ông mất năm Tân Hợi (1911) tại Sài Gòn.


Ngoài Thầy Lazarô Phiền, Nguyễn Trọng Quản còn là tác giả của Truyện bốn anh tài Chà - và cùng truyện tầm phào chẳng nên đọc, Kim vọng phu truyện.... Tiếng Pháp có Notice sur les fonderies de cuivre à Chợ Quán.


Truyện Thầy Lazarô Phiền xuất bản năm 1887 của ông chỉ vỏn vẹn có 32 trang in, nhưng mang trong lòng nhiều yếu tố rất hiện đại. Trước hết, đó là một câu chuyện trong một câu chuyện. Thầy Lazarô Phiền đã thú nhận tội lỗi của mình cho một người bạn đồng hành của mình và tới phiên người đó lại trở thành người tường thuật. Tâm lý của nhân vật chính là đối tượng được miêu tả chớ không phải là sự kiện, hành động. Nhân vật người kể chuyện ở đây được thể hiện ở ngôi thứ nhất. Câu chuyện không được kể theo dòng thời gian một chiều truyền thống. Kết thúc rất bi thảm của câu chuyện cũng rất khác với bố cục hội ngộ -  lưu lạc - đoàn viên của văn học truyền thống.


Đặc biệt là rất trung thành với quan niệm “lấy tiếng nói thường mọi người hằng nói ra”nên Thầy Lazarô Phiền không hề có một câu văn biền ngẫu. Đây là quan niệm ông đã tiếp thu từ Trương Vĩnh Ký, người thầy của mình với quan niệm “chọn cách nói tiếng An-nam ròng”. Điều này rất có ý nghĩa trong thời điểm đó khi mà chúng ta biết rằng trong Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách viết sau đó 38 năm, trong Nho Phong của Nguyễn Tường Tam sau đó gần 40 năm, vẫn còn đầy rẫy các câu văn biền ngẫu. Lại càng có ý nghĩa hơn khi ta biết rằng ở Trung Quốc mãi đến cuối năm 1916 mới bắt đầu có phong trào bỏ văn biền ngẫu, sử dụng bạch thoại như là một phương cách để hiện đại hoá văn học.


Nhưng tác phẩm mới mẻ này đã không được quần chúng đón nhận. Nguyễn Văn Trung cho rằng chỉ cái nhan đề của truyện không thôi cũng đủ làm cho độc giả tưởng rằng đây chỉ là một truyện đạo và không thèm đếm xĩa đến. Đó là một lý do, cái chính là tác phẩm đã không đáp ứng được thị hiếu của độc giả lúc bấy giờ vốn chưa được chuẩn bị để đón tiếp một tác phẩm mới lạ đối với họ đến như thế. Độc giả của Nam Bộ, vốn là những người bình dân, xưa nay chỉ quen thưởng thức truyện hoặc bằng thơ lục bát, hoặc bằng văn có đối có vần lúc đó khó có thể chấp nhận “cái tiếng nói thường” ấy của Nguyễn Trọng Quản, Tâm lý của nhân vật cũng không phù hợp với công chúng bình dân Nam Bộ, chủ đề “phạm tội và sám hối” của Kitô giáo lại càng xa lạ đối với họ. Rồi còn cái kết thúc của câu chuyện, người Nam Bộ lâu nay quen với quan niệm “ở hiền gặp lành”, quen với kết thúc có hậu của truyện thơ truyền thống, nên khó có thể chấp nhận cái chết của người vợ hiền lành, chung thủy của thầy Phiền, trong khi đó kẻ gây ra tội ác là vợ tên quan ba lại không bị trừng phạt gì cả.


Với Thầy Lazarô Phiền, Nguyễn Trọng Quản đã bước quá sớm ra con đường hiện đại rộng lớn nên tất yếu phải cô độc. Nói theo Bằng Giang, đó “là một con chim lạ từ phương Tây”, là “một ốc đảo chơi vơi” của văn học Việt Nam vào nửa sau thế kỷ XIX (3).


Không được công chúng đón nhận, nhưng sau này Thầy Lazarô Phiền đã có ảnh hưởng không nhỏ đến giới sáng tác. Trường hợp Hồ Biểu Chánh như đã nói ở trên là một minh chứng. Có người còn cho cốt truyện của Thầy Lazarô Phiền cũng đã ảnh hưởng đến tiểu thuyết Oan kia theo mãi tức Ba mươi hai đêm Hồ Cảnh Tiên tự thuật (1920) của Lê Hoằng Mưu, một nhà văn “khét tiếng” thời đó (4). Một loạt truyện tự thuật sau đó như Hà Cảnh Lạc năm ngày tự thuật (1925) của Phạm Minh Kiên, Mười sáu đêm Trần Minh Châu tự thuật của Nguyễn Hữu Tình... có lẽ cũng không ra ngoài ảnh hưởng đó.


Đi xa hơn, Nguyễn Văn Trung còn ngờ rằng Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản có thể đã gợi hứng cho nhà văn Áo Stefan Sweig khi sáng tác tác phẩm Amok hay người điên Mã Lai(5) năm 1922 (Thầy Lazarô Phiền đã được in lại gần trọn vẹn và đã được A. Chéon dịch ra tiếng Pháp trong Cours de langue anamite xuất bản năm 1899. Stefan Sweig, một người đã đi du lịch nhiều nơi, trong đó có Đông Nam Á, có thể đã đọc bản dịch này của Chéon).


Đến năm 1934, Nguyễn Trọng Đắc đã dịch toàn văn Thầy Lazarô Phiền ra tiếng Pháp.


Với giá trị của nó, Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản có thể được xem là tác phẩm đầu tiên của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại và vị trí của thiên truyện này trong lịch sử văn học Việt Nam còn cần được tiếp tục nghiên cứu.


2. Thế còn Trần Thiên Trung tức Trần Chánh Chiếu, tác giả của Hoàng Tố Anh hàm oan, tác phẩm được Hồ Biểu Chánh chú ý hơn cả?


Trần Chánh Chiếu sinh năm Đinh Mão (ngày 3 tháng 7 năm 1867), cùng năm với Phan Bội Châu và sau Nguyễn Trọng Quản hai năm. Cha ông là Trần Thọ Cửu, một hương chức trong làng. Ông còn có các bút danh Kỳ Lân Các, Nhựt Thăng, Thiên Trung và biệt hiệu Đông Sơ, hiệu Quang Huy. Ông là người làng Vân Tập, Rạch Giá (hiện nay thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).


Trần Chánh Chiếu
Trần Chánh Chiếu
Nhờ gia đình khá giả nên Trần Chánh Chiếu đã được học hành khá chu đáo. Sau khi học ở tỉnh, ông lên Sài Gòn học ở Collège d’Adran. Tốt nghiệp, ông làm giáo học rồi làm thông ngôn cho tham biện chủ tỉnh Rạch Giá. Sau đó ông làm xã trưởng làng Vĩnh Thanh Vân. Ông là người góp phần khai khẩn vùng Tràm Chẹt, Giồng Riềng, Rạch Giá. Chính ông cũng là người thiết kế, xây dựng chợ Rạch Giá. Nhờ là người giàu có, ông được nhận chức tri phủ và vào quốc tịch Pháp.


Nhưng ông phủ Gilbert Chiếu này “quốc tịch mang danh Phú Lãng (Pháp), Thâm tâm vẫn máu họ Hùng Vương” (Phương Sơn). Năm 1900, ông bỏ chức xã trưởng, bán một phần của cải lên Sài Gòn và Mỹ Tho hoạt động và trở thành một nhân vật chủ chốt của phong trào Duy Tân và Đông du ở miền Nam. Ông đã từng liên lạc với các nhà yêu nước như Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diêu, Nguyễn An Khương. Ông cũng đã sang Hương Cảng gặp Phan Bội Châu rồi sang Nhật để gặp Cường Để.


Từ 1906 đến 1907, Trần Chánh Chiếu là chủ bút báo Nông cổ mín đàm. Trong thời gian này, nhận thấy phong trào dịch truyện Tàu quá rầm rộ, trong khi đó còn rất thiếu những truyện Việt Nam, do người Việt Nam viết nên trên số báo 262 ra ngày 23.10.1906 ông đã mở cuộc thi viết tiểu thuyết lấy tên Quốc âm thí cuộc nhằm khuyến khích việc viết những truyện có đề tài trong nước. Đây có lẽ là cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên trong văn học nước ta.


Năm 1907, ông qua làm chủ bút báo Lục tỉnh tân văn. Dưới sự lãnh đạo của ông, Lục tỉnh tân văn trở thành cơ quan ngôn luận và là nơi vận động cho công cuộc Minh Tân. Ông cũng viết hai quyển sách Minh Tân tiểu thuyếtHương Cảnh nhân vật, Quảng Đông tỉnh thành phong cảnh. Minh Tân tiểu thuyết tập hợp những bài xã luận kêu gọi đồng bào tham gia phong trào Minh Tân. Hương Cảnh nhân vật, Quảng Đông tỉnh thành phong cảnh ca ngợi việc ganh đua của người Trung Hoa trên đường mở mang kỹ nghệ, thương mại.


Đầu năm 1908, ông thành lập công ty Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ, có trụ sở đặt tại Mỹ Tho . Đây là một công ty cổ phần, người tham gia đa số là điền chủ và công chức. Công ty xây dựng xưởng kéo sợi, xưởng dệt, sản xuất xà bông, thuộc da và làm đồ pha lê. Công ty còn có kế hoạch dạy học sinh học những nghề trên. Xà bông hiệu Con vịt (Canard) của công ty lúc đó đã cạnh tranh rất hiệu quả với xà bông ngoại quốc nên có thêm người mua cổ phần của công ty.


Ngoài ra, để các đồng chí của mình có chỗ hội họp hợp pháp, ông còn xây dựng Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho và Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn. Hai khách sạn này cũng là cơ sở kinh tài cho phong trào.


Tháng 10.1908, ông bị thực dân Pháp bắt giam. Công ty Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ phải ngưng hoạt động và giải tán, bản thân Trần Chánh Chiếu bị giải về Mỹ Tho để chứng kiến cảnh khám xét Minh Tân khách sạn của mình. Nhờ sự can thiệp của chính phủ Nhật và sự vận động của chí sĩ  Phan Văn Trường tại Pháp, ông được trả tự do vào tháng 4 năm 1909.


Năm 1910, ông về Rạch Giá bán hết ruộng đất, của cải lên Sài Gòn mở cửa hàng buôn bán văn phòng phẩm, hoạt động bí mật giúp đỡ Cường Để. Trong thời gian này ông còn biên soạn một số tác phẩm như Tiền căn báo hậu (phỏng dịch từ Le Comte de Monte Cristo của A. Dumas), Văn ngôn tập giải, Gia phổ.


Năm 1917, ông lại bị bắt giam  vì cho là người giúp đỡ Phan Xích Long khởi nghĩa chống Pháp. Phải một thời gian sau ông mới được trả tự do.


Trần Chánh Chiếu mất năm Kỷ Mùi (1919) tại Sài Gòn và được an táng tại đất Thánh nhà thờ họ Tân Định.


Đại Việt sử thi đã trân trọng ghi công của ông:


Đất Nam Kỳ là nơi thuộc địa


Cũng có nhiều nhân sĩ vì dân


Như Trần Chánh Chiếu, An Khương


Lập nên cơ sở Minh Tân giúp người


 


Lầu Nam Trung , vốn nơi khách sạn


Làm bản doanh kết bạn muôn người


Cử đi du học nhân tài


Cho sang bên Nhật trau dồi kiến văn.


Hiện có một con đường và một ngôi chợ khá lớn ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh mang tên Trần Chánh Chiếu.


Hoàng Tố Anh hàm oan được Trần Chánh Chiếu viết với bút hiệu Trần Thiên Trung, in năm 1910, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê, đó là “một tiểu thuyết phong tục với cốt truyện ly kỳ và lời văn bình dị, tác giả của thuyết nhân quả mà cho người phải chung cuộc được hiển vinh, kẻ quấy cuối cùng chịu quả báo, khiến Hồ Biểu Chánh quyết định viết tiểu thuyết theo đường lối ấy để cảm hoá quần chúng mà đưa họ trở lại con đường nghĩa nhân chính trực”(6).


Trong lời tựa của mình, Trần Chánh Chiếu tỏ ra rất có ý thức dân tộc: “Từ ngày các đấng cao minh trong Lục châu bày diễn dịch các thứ truyện chữ nho ra chữ quốc âm, thì ít thấy có truyện nào nói việc trong xứ mình; các truyện đang bán đương thời đều là truyện Tàu. Nay tôi ngụ ý soạn một bổn nói về việc trong xứ mình: dùng tiếng tầm thường cho mọi người dễ hiểu đặng”.


Hoàng Tố Anh hàm oan dài 54 trang, về hình thức rất gần với kết cấu chương hồi truyền thống. Tác phẩm được chia làm 15 hồi, mỗi hồi có một hoặc hai câu Hán Việt tóm tắt nội dung, kể về cuộc đời nhiều truân chuyên của một cô gái nhà nghèo làm nghề bán trầu nhưng đẹp người đẹp nết tên là Hoàng Tố Anh. Vì một tai nạn, Hoàng Tố Anh sa vào nhà một tên Thiên hộ từ cha đến con đều có máu Bùi Kiệm, gái thì hoang dâm chửa hoang, ăn ở thất đức. Nhưng thay vì mải mê bàn luận về sự đời như các tác phẩm truyền thống, tác giả đã mau chóng đi ngay vào câu chuyện và cho xuất hiện ngay những nhân vật chính, điều này làm câu chuyện sinh động, hấp dẫn.


Nhân vật trong Hoàng Tố Anh hàm oan vẫn còn được chia đơn giản theo hai tuyến chính diện và phản diện. Kết thúc thiên truyện cũng theo luân lý thông thường là ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Cuối cùng thì Hoàng Tố Anh cũng lấy được người mình yêu và cùng với những người thân của mình “cộng hưởng phú quý vinh huê”, “sanh con phụng, cháu lân nối nghiệp tông môn”. Còn Kim Tiên, con gái Thiên hộ sau chết vì uống thuốc phá thai, tình nhân của Kim Tiên là Ba Xờm cũng phải thắt cổ tự tử. Nhân vật nói chung vẫn còn được khắc hoạ theo khuôn mẫu tốt xấu thông thường, nhưng cũng khá sắc sảo. Chỉ qua vài nét chấm phá, tác giả đã cho chúng ta thấy được tính cách của nhân vật, một Hoàng Tố Anh hiếu thảo, tần tảo, chân chất và sự dâm ô, xảo quyệt của ba cha con tên Thiên hộ. Mối quan hệ giữa các nhân vật cũng được xây dựng khéo léo, khiến người đọc không cảm thấy các tình tiết xảy ra quá ngẫu nhiên (con trai tên Thiên hộ đã biết Hoàng Tố Anh và đã có ý đồ “trêu huê ghẹo nguyệt” từ trước, lão dê xồm Thiên hộ ngay từ đầu cũng đã ao ước “có được một đứa hầu xinh, thiếp tốt” khi nhìn thấy Hoàng Tố Anh). Tác giả đã xây dựng xung đột, kịch tính khá linh hoạt. Xung đột, mâu thuẫn càng lúc càng được đẩy lên gay gắt, bắt đầu bằng việc con trai tên Thiên hộ gạ gẫm Tố Anh rồi đến việc chính tên Thiên hộ tán tỉnh nàng cho tới lúc Hoàng Tố Anh phải bỏ trốn. Sự phát triển của tình tiết và diễn biến tâm lý của nhân vật nói chung là hợp lý, dù không thiếu những chuyện ly kỳ, éo le.


Đặc biệt là Hoàng Tố Anh hàm oan đã có một ngôn ngữ sống động, phù hợp với tính cách của nhân vật và theo sát với sự phát triển của tình tiết và diễn biến tâm lý nhân vật.


Với cái nhìn của một nhà hoạt động cách mạng, có thể nói Trần Chánh Chiếu đã có một quan điểm hiện thực khi phản ánh và phê phán cuộc sống xa hoa, dâm đảng và bất lương của bọn người giàu có. Ông cũng đã tỏ rõ tấm lòng của mình trong việc bênh vực những con người nghèo khổ, hèn kém trong xã hội cũ. Hoàng Tố Anh hàm oan vì thế có thể được xem là một trong những tác phẩm có khuynh hướng hiện thực đầu tiên của văn xuôi Việt Nam hiện đại.


Trương Duy Tỏan
Trương Duy Tỏan
3. Trong ba nhà văn tiên phong này, Trương Duy Toản là  người trẻ nhất. Ông sinh năm Ất Dậu (1885), sau Nguyễn Trọng Quản đến hai mươi năm, là người huyện Tam Bình, Vĩnh Long. Ông còn có tự là Mạnh Tự, bút hiệu Đổng Hồ.

Trương Duy Toản vốn xuất thân Nho học nhưng sau chuyển sang Tây học. Năm 1907 ông sang làm thư ký tại văn phòng toà Khâm sứ ở Nam Vang (Phnôm Pênh), sau đó đổi về Sài Gòn, tại đây ông tham gia phong trào Minh Tân của Trần Chánh Chiếu. Tiếp đó ông hoạt động trong phong trào Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu và Cường Để, là người phiên dịch cho Cường Để. Ông đã từng bí mật sang Hương Cảng gặp Cường Để và năm 1913 đã theo Cường Để sang châu Âu với sứ mệnh là người đưa giác thư phê phán chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương và yêu cầu Pháp sớm sửa đổi đường lối lỗi thời ấy.


Sau khi đưa bức giác thư nói trên, ông bị chính phủ Pháp quản thúc một thời gian rồi bị tống giam vào khám đường La Santé tại Paris ngày 26.8.1915. Đến tháng 4.1916, ông mới được trả tự do, nhưng bị trục xuất về Sài Gòn. Thực dân Pháp đã quản thúc ông tại làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, Cần Thơ.


Trong những năm từ 1919 đến 1936, ông là ký giả và là chủ bút của nhiều tờ báo như Thời báo (1919), Trung lập báo (1924), Sài Thành nhật báo (1930), Dân quyền (1936). Trước khi mất một năm (1956), với bút danh Đổng Hồ ông còn cho đăng trên tuần báo Tiến Thủ loạt hồi ký mang tên Phong trào cách mạng trong Nam.


Ông mất năm Đinh Dậu (1957) tại Sài Gòn và được an táng tại quê nhà Tam Bình, Vĩnh Long.


Trương Duy Toản hoạt động trong khá nhiều lãnh vực, về báo chí, từ năm 1908 ông đã có bài trên Lục tỉnh tân văn, là ký giả và chủ bút của nhiều tờ báo như đã nói ở trên. Ông còn là soạn giả thuộc lớp đầu tiên của sân khấu cải lương Nam Bộ, vở tuồng đầu tay Kim Vân Kiều của ông là vở tuồng hoàn chỉnh đầu tiên của sân khấu cải lương và theo nghệ sĩ Ba Vân là “vở tuồng ăn khách nhất của gánh thầy Năm Tú” lúc đó (7). Sau Kim Vân Kiều là Lục Vân Tiên (1920), Hạnh Nguyên cống Hồ, Trang Châu mộng hồ điệp (1923), Lưu Yến Ngọc cừu cha đại hiếu (1926). Ông còn là một thầy tuồng (đạo diễn) nổi tiếng vào bậc nhất của những năm 20 của thế kỷ 20.


Sau Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân, Trương Duy Toản còn sáng tác một số tác phẩm văn xuôi khác như Lý Thời Quai tuý tửu thọ oan hình (1911), Tình hải nhứt trích (1916).


Về thơ ông có Truyện Đơn Hùng Tín An Nam tục kêu Ba Tính (1925) và một di cảo tựa là Món đồ xưa.


Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân được Trương Duy Toản sáng tác năm 25 tuổi (1910). Khác với các tác giả khác thường bắt đầu bằng việc phiên âm hoặc dịch thuật, ông sáng tác ngay bằng văn xuôi quốc ngữ.


Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân là một truyện “ngoại sử”, nhân vật là do hư cấu, không có thật trong lịch sử. Tác phẩm kể về cuộc đời truân chuyên, lưu lạc của đôi trai tài gái sắc Vương Thế Trân và Nhan Khả Ái. Cũng như Hoàng Tố Anh hàm oan Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân vẫn chưa vượt qua được ảnh hưởng sâu đậm của tiểu thuyết cổ điển chương hồi Trung Quốc. Trong nghệ thuật kết cấu chẳng hạn, vẫn là lối kết cấu ba công đoạn quen thuộc: hội ngộ - lưu lạc - đoàn viên. Trung hiếu, tiết nghĩa, trí dũng vẫn là những đạo lý cơ bản trong tác phẩm này. Nhân vật trong tác phẩm vẫn được chia làm hai tuyến rạch ròi, phân minh: hiền lương và nham hiểm, nhân hậu và độc ác, trọng nghĩa và phi nghĩa. Đối lập lại với Vương Thế Trân và Nhan Khả Ái trung hậu, chung thuỷ là Trương Bá Vạn, là Liễu Chiêu Xuân gian xảo, độc ác. Kết thúc tác phẩm rất có hậu: người hàm oan được thoát tội, người hiền lương sau nhiều gian truân khổ ải được đền bù, kẻ làm ác phải sống nhục chết thảm. Cuối cùng thì đôi tình nhân Vương Thế Trân và Nhan Khả Ái cũng sum hợp một nhà, “vợ chồng thong dong an hưởng thanh nhàn, tiếng rền trong sáu tỉnh”.


Về văn phong, ảnh hưởng của lối văn biền ngẫu và sáo ngữ vẫn còn rất nặng trong tác phẩm, như khi tác giả tả Vương Thế Trân hoặc Nhan Khả Ái. Truyện có nhiều tình tiết ly kỳ nhưng tác giả chưa khai thác sâu, khiến tác phẩm có vẻ còn khô khan vắn tắt. Nói chung là tác giả còn kể nhiều hơn là tả.


Cái mới của Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân là ở ngay chủ trương của Trương Duy Toản: viết các tích truyện, lịch sử của Việt Nam cho người Việt Nam đọc. Trong bài tựa của mình, ông kêu gọi “phải bỏ những là Lê Huê pháp thuật; Kim Đính thần thông... mà sắp bày những truyện chi mới”. So với các tác giả cùng thời cũng có ý thức về điều này như Phạm Minh Kiên, Tân Dân Tử, ông đã đi trước đến mười mấy năm.


Với Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân, yếu tố đời tư cũng đã bắt đầu được chú ý. Điều này làm cho tác phẩm gần gũi hơn với tiểu thuyết hiện đại và tạo thành sức hấp dẫn công chúng độc giả lúc ấy. Mối tình mãnh liệt, đầy những trắc trở gian truân của Vương Thế Trân và Nhan Khả Ái trong Phan Yên ngoại sử là câu chuyện chủ yếu trong tác phẩm hơn là các chi tiết của lịch sử, đã thể hiện góc nhìn này của tác giả.


Trong Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân, Trương Duy Toản đã nói nhiều đến việc giúp đỡ Nguyễn Ánh tiêu diệt Tây Sơn. Về điều này, các nhà nghiên cứu như Bằng Giang, Bùi Đức Tịnh, Hoài Anh, John C. Shhaffer và Thế Uyên đều thống nhất cho rằng đây chỉ là một cách nói bóng gió, ví von. Tây Sơn ở đây chính là thực dân Pháp. Lối nói bóng gió, mượn việc này để ám chỉ việc khác, lối chơi chữ như thế không phải là hiếm trong văn chương đầu thế kỷ. “Tây phong” cũng có thể dùng để ám chỉ giặc Pháp, cả “Tây Ninh” cũng được tác giả La Ma hoà thượng dùng để ám chỉ bọn Tây trong bài báo Cha ghẻ con ghẻ đăng trên báo Lục tỉnh tân văn năm 1908. Bằng Giang cho rằng lịch sử hoạt động của phong trào Đông Du và công cuộc Minh tân ở trong Nam cùng sự tham gia tích cực của Trương Duy Toản vào phong trào này khiến chúng ta liên tưởng tới tác phẩm Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân và từ đó mới dễ thấy nội dung Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân có chứa đựng nhiều khả năng ám chỉ về thời cuộc lúc bấy giờ, tuy bối cảnh được chọn trong truyện là miền Nam lúc Nguyễn Ánh còn bôn tẩu đó đây, “chống Tây Sơn” với mưu đồ phục quốc. Bằng Giang đề nghị thử thay tên của Nguyễn Ánh bằng tên của Cường Để thì sẽ thấy được rõ hơn ý đồ này của Trương Duy Toản.


Sự cẩn thận này của Trương Duy Toản có lẽ không phải là điều quá thừa.  Chúng ta cũng biết là do hoảng sợ trước phong trào quần chúng rộng rãi và cách mạng năm 1908, thực dân Pháp đã đóng cửa Đông kinh nghĩa thục và khủng bố trắng phong trào Duy Tân trong cả nước.  Nhiều người của phong trào đã bị xử tử. Hầu hết các chí sĩ tham gia phong trào đều bị bắt và đưa đi đày, riêng phong trào Minh Tân ở Nam Bộ của Trần Chánh Chiếu đã bị bắt đến 91 người.


Vì thế , đánh giá của Hoài Anh về giá trị chủ yếu của Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân là “nhằm đề cao người anh hùng trung thành với nước, người phụ nữ chung thuỷ với chồng, qua đó gián tiếp trình bày phương châm, kế hoạch hoạt động khởi nghĩa chống Pháp giành độc lập cho đất nước với ẩn ý động viên cổ vũ quần chúng tham gia phong trào Đông du và Việt Nam Quang Phục Hội”(8), theo chúng tôi là có cơ sở.


***


Bước đầu bắt tay vào việc xây dựng một nền văn xuôi nghệ thuật mới, các tác phẩm văn xuôi viết bằng Quốc ngữ đầu tiên của Nam Bộ chưa phải là đã có nhiều thành công về mặt nghệ thuật. Nhưng điều đáng quý là ý thức dân tộc và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam đã được các nhà văn thể hiện một cách rõ nét trong các tác phẩm. Các tác phẩm này, trước hết là một phản ứng của lòng tự trọng dân tộc trước sự xâm lăng của văn hoá nước ngoài, nhưng quan trọng hơn, đó là bước quẫy đạp mạnh mẽ của văn học Việt Nam để thoát ra vòng kiềm toả của văn học Trung Hoa, là một nỗ lực trên bước đường hiện đại hoá của văn học Việt Nam, bước đường vượt ra khỏi ảnh hưởng của văn học khu vực để hoà nhập vào dòng chảy của văn học thế giới.

 

(1) Nguyễn Khuê - Chân dung Hồ Biểu Chánh, NXB Tp.Hồ Chí Minh, 1998, tr.25.

 

(2) Nguyễn Văn Trung - Những áng văn chương quốc ngữ đầu tiên, Tài liệu tham

khảo sau đại học và năm cuối bậc đại học, Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh, tr.36.

 

(3) Bằng Giang - Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 - 1930, NXB Trẻ, TP.HCM, tr.303.

 

(4) Bùi Đức Tịnh - Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và Thơ mới, NXB TP.Hồ Chí Minh, tr.207.

 

(5) Nguyễn Văn Trung, sđd, tr.22-23.

 

(6) Nguyễn Khuê, sđd, tr.23.

 

(7) Ba Vân - Kể chuyện cải lương, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1989, tr.75.

 

(8) Hoài Anh - Chân dung văn học, NXB Hội nhà văn, H.2001, tr.55.


 

Võ Văn Nhơn (Theo Kiến Thức Ngày Nay 561)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:
Ngủ trên tay ba (21/02/2008)
12 món quà (25/07/2006)



Ln đầu trang
Tin mới cùng chuyên mục
Ngủ trên tay ba
"Cuộc đời đâu phải tự nhiên xanh..."
Vườn Xuân Lan tạ chủ - mở đầu hành trình đi tìm cái đẹp của Nguyễn Tuân
Vườn Xuân Lan tạ chủ - mở đầu hành trình đi tìm cái đẹp của Nguyễn Tuân
Văn tế bạn chài Nghĩa An

Bài được đọc nhiều nhất
CÓ MỘT LOÀI HOA NHƯ THẾ...
Mấy món quà của học sinh Hà Nội xưa
Bất ngờ cuộc sống quanh ta: Những câu kệ trong lòng chuông
"Cuộc đời đâu phải tự nhiên xanh..."
Vườn Xuân Lan tạ chủ - mở đầu hành trình đi tìm cái đẹp của Nguyễn Tuân

   Chuyển đổi tiền tệ
  Số tiền:
  
  Từ
  
  Thành
  
 
   Từ điển

Tra theo từ điển:


   Bách khoa tòan thư
get info from WikiPedia


 
Tài trợ Kiến Thức Ngày Nay Online - kienthucngaynay.vn

Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử - Kiến Thức Ngày Nay Online
Số giấy phép: 395/GP-BVHTT, cấp ngày: 18/09/2002. Tổng biên tập: TS Nguyễn Thị Kim Ửng
- Chủ biên: Hàn Tấn Quang
Ghi rõ nguồn 'kienthucngaynay.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Trụ sở tòa soạn: 16 Trần Quý Khóach P.Tân Định Q.1 Tp.HCM
Liên hệ quảng cáo: Công ty TNHH TM - DV Ân Minh - 221/2 Trần Quang Khải P.Tân Định Q.1, Tp.HCM - Điện thoại: (848) 62911952 - Fax: (848) 62911951
Email: kienthucngaynay.vn@gmail.com - Website: www.anminh.com - Facebook: www.facebook.com/TapChiKienThucNgayNay | BẢNG GIÁ QUẢNG CÁO |