Cái nghĩa gốc của nhạy cảm theo giải thích của Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ là “có khả năng nhận biết tinh và nhanh bằng giác quan, bằng cảm tính”. Cái tính từ này rõ ràng là chỉ thuộc tính của người khi tiếp cận đối tượng. Nhưng rồi không biết từ lúc nào, người ta cứ nói “vấn đề ấy nhạy cảm lắm”. Thế là đã có sự chuyển nghĩa!
Từ ý nghĩa chủ động, nhạy cảm đã mang nghĩa “bị động” (được nhạy cảm). Sự chuyển nghĩa kiểu này có thể gọi là bị động hoá. Nhưng nếu xét theo khía cạnh khác thì có thể thấy sự biến hoá (mà người ta dùng cách thêm vào tiếp cái đuôi “hoá” để thể hiện) diễn ra theo chiều hướng khác. Đối tượng được ta nhạy cảm vốn là vật chất cụ thể - thế mới có thể tác động vào giác quan cảm tính. Nhưng vấn đề thì đâu có là vật chất nữa. Thế là có thể gọi hướng chuyển nghĩa này là... trừu tượng hoá. Vẫn chưa hết! Nếu xét theo lĩnh vực của vấn đề thì các vấn đề nhạy cảm dù thuộc lĩnh vực xã hội nào (kinh tế như ăn hối lộ, bớt xén trong đền bù giải phóng mặt bằng; luật pháp như xét xử, điều tra; hành chính như thủ tục rườm rà; xây dựng như ăn bớt sắt thép xi măng, v.v...) không ít thì nhiều đều dính líu đến chính trị. Thế thì hướng chuyển nghĩa này lại có thể gọi là “chính trị hoá” (và đôi khi còn hài hước hoá như cái tính cách ưa khôi hài châm biếm của dân ta vì cũng có cái chuyện nhạy cảm không thật nghiêm túc theo quan niệm của nhà nho chính thống).
Tìm ra những cái “hoá” đó thiết nghĩ đã có thể coi là phát hiện khoa học có giá rồi. Nhưng đi vào thực tiễn còn thấy nhiều điều hay mà e rằng ngôn ngữ thế giới cũng ít có. Thì cứ để ý mà xem. Những vụ việc nổi cộm như vụ chia chác đất đai cho cán bộ (mà lại ăn chặn của người dân được cấp đất tái định cư) của thị uỷ, uỷ ban thị xã Đồ Sơn đó. Báo chí địa phương và cả một số báo trung ương nhận được tố cáo của dân đều ỉm đi với lý do “đó là vấn đề nhạy cảm”. Dễ thấy nói thế là đúng vì sau đó thì vụ 400 cán bộ của thành phố Hải Phòng, bề trên của Đồ Sơn còn chia chác đất đai to hơn, giá trị lớn hơn bị phát hiện. Nhưng có những vụ như xét xử phúc thẩm cái anh chủ tịch xã tép riu Lý Công Sinh với “thành tích chiếm tới 180ha đất đai (tới 1/3 đất đai toàn xã mà chỉ đưa ra cái án 30 tháng tù treo trong khi anh trưởng thôn bị nghi ngờ “cung cấp thông tin cho báo chí” bị xử nặng hơn cũng không thấy báo chí đưa ra rõ ràng. Được xem chương trình phát hình dân mới biết và đoán chắc là vấn đề này nhạy cảm lắm - nhất là khi cuộc cải cách tư pháp đã triển khai, đã sơ kết được cả một giai đoạn. Có anh nhà báo trẻ nghe thắc mắc thì cười bảo: “Bác ơi, có lần cháu viết về vụ bê bối liên quan đến anh em cọc chèo của một ông lãnh đạo báo, không được đưa lên vì ông ấy bảo “vấn đề này... nhạy cảm lắm!”. Được hỏi sự chuyển nghĩa này ở chữ nhạy cảm nên “định danh” thế nào, mấy ông ngôn ngữ học đành cứ xoa xoa cái cằm không râu hoặc râu không mọc được. Mãi mới có một ông dè dặt đưa ra một thuật ngữ mới. Đó là... “bình phong hoá”.