Trong phạm vi bài này, tôi chỉ giới hạn tính “quỷ” và “ma” trong việc ăn quà của học sinh Hà Nội những năm 50 của thế kỷ trước.
Món quà đầu tiên mà cánh học sinh thời đó thích nhất là món thịt bò khô.
Thịt bò khô là món ăn nửa ta nửa Tàu. Đó không những là món quà của riêng học sinh mà là của người Hà Nội. Phần “ta” của món ăn này là đu đủ xanh nạo thành sợi, bóp qua ít muối cho ra bớt nước rồi rửa qua nước sạch và vắt khô, trộn với ít rau húng, rau mùi Láng để dậy mùi thơm đặc trưng của Hà Nội và ít nước mắm, dấm ngọt, dấm chua, tương ớt. Phần “Tàu” là thịt bò khô. Có mấy loại: loại “mỏng” được tẩm đường, sămpết rồi sấy khô, ăn dai dai, ngọt ngọt; loại “dày” được tẩm hương liệu rồi sấy chín, vẫn giữ nguyên hình khối thịt bò, lại có cả gan bò cũng được tẩm sấy. Ai muốn ăn loại nào tuỳ thích.
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, chỗ góc bờ hồ Hoàn Kiếm, cuối dốc phố Lương Văn Can Hà Nội, có một dãy xe đẩy trông như những chiếc hòm kính đỗ trên vỉa hè. Đó là dãy hàng thịt bò khô. Xe có 2 tầng: tầng trên 3 mặt lắp kính, bên trong để một khay đựng đu đủ nạo đã vắt khô và một khay đựng các loại thịt bò khô. Hai bên của tầng trên được bố trí những ô vuông, mỗi ô đặt một chai: dấm, tương ớt, nước mắm... Tầng dưới được bưng kín bằng gỗ. Đó là kho để các nguyên liệu dự trữ. Có một hàng thịt bò khô, chủ là một người Hoa không dùng xe đẩy mà toàn bộ đồ lề, nguyên liệu được xếp rất ngăn nắp trong một cái làn tre rất to, đặt trên một cái giá gấp. Đó là quầy thịt bò khô của chú Sặng - quầy thịt bò khô ngon nhất và đông khách nhất khu vực.
Khi có khách, ông chủ hàng lấy một cái đĩa sạch đặt trên mặt tủ, bốc một ít đu đủ vào đĩa rồi dùng một cái kéo to để cắt thịt bò rải lên trên, phủ một ít rau thơm, đoạn ông đặt kéo lên mặt tủ, hai tay nhấc hai chai dấm, ớt... tưới lên đĩa, nhanh như làm xiếc. Người ăn chỉ việc nhấc đĩa, dùng đũa trộn đều gắp lên để thưởng thức cái cảm giác dai dai khi nhai thịt bò quyện đu đủ cùng vị ngọt, chua, cay... của dấm, ớt. Khi không có khách, ông chủ nhắp nhắp cái kéo thành nhịp “tách... tách...”. Đó là kiểu rao đặc biệt của hàng thịt bò khô.
Ngoài “trung tâm thịt bò khô” đó, ở cửa bất kỳ một trường học nào của Hà Nội thời đó cũng có ít nhất một xe thịt bò khô. Bọn học sinh choai choai chúng tôi phải ăn ở đây mới thích vì vào giờ ra chơi, khách ăn rất đông, ông chủ không kiểm soát nổi, chúng tôi tha hồ mà dốc tương ớt, ăn đến cay chảy nước mắt, nước mũi mới khoái.
Món quà thứ hai mà bọn “nhất quỷ, nhì ma” chúng tôi rất thích, nhất là về mùa rét, là món bánh tôm. Đó là món đặc sản nổi tiếng của Hà Nội. Vào những năm đầu của thập kỷ 50, bên bờ hồ Trúc Bạch, cạnh đường Cổ Ngư, bên kia là Hồ Tây của Hà Nội có một dãy quán nho nhỏ, mỗi quán đặt mấy chiếc bàn tròn và những chiếc ghế vải gấp. Đó là những quán bánh tôm đặc sản của Hồ Tây. Nguyên liệu chính của món quà này là bột mì hoà với nước thành một hỗn hợp sền sệt, có pha một ít phẩm hoa hiên để có một màu vàng tươi. Hỗn hợp bột này có một ít khoai lang đã gọt vỏ, thái chỉ trộn đều cùng một lượng bột nở. Kèm với bột là một bát to tôm tươi đã làm sạch và ướp chút muối. Bà chủ đứng bên một cái bếp nhỏ lửa, trên đặt một chiếc chảo gang đổ đầy mỡ lợn. Khi mỡ đang sôi, bà chủ dùng một chiếc muỗng riêng gò bằng sắt tây, tròn và có thành dày khoảng một phân, múc đầy hỗn hợp bột vào muỗng và gắp mấy con tôm đã sơ chế đặt lên trên rồi cho vào chảo mỡ sôi. Gặp nóng, bánh nở to và rời khỏi muỗng. Đợi đến khi chiếc bánh vàng ươm, thơm phức, bà chủ gắp ra, xếp nghiêng trên một cái vỉ sắt mắt cáo cho róc mỡ thừa rồi dùng nhíp to gắp chiếc bánh còn nóng hổi, cắt thành những miếng vừa phải vào một chiếc đĩa rồi chuyển ra cho khách. Bánh tôm được ăn cùng rau xà lách, rau thơm Láng, nước chấm có tỏi sống, pha cùng đường, dấm, nước mắm ngon điểm mấy miếng đu đủ xanh ngâm dấm tỏi và mấy lát ớt tươi. Ăn bánh tôm phải có ớt tươi mới ngon. Tôm cũng phải tươi. Hồi đó có một số em con nhà nghèo, dùng một cái cần câu nho nhỏ chuyên để câu tôm đến ngồi câu ngay bên Hồ Tây, đối diện với dãy quầy bánh tôm. Hồ Tây lúc đó có rất nhiều tôm nước ngọt. Khi câu được khoảng một ký, các em lại chạy sang đường để bán cho các bà chủ quán.
Cánh học sinh chúng tôi ít khi lên tận Hồ Tây ăn bánh tôm. Chúng tôi đã có những hàng bánh tôm rong ở trước cửa trường, vừa rẻ lại vừa hứng thú hơn. Sáng sáng, trước giờ vào học chừng 30 phút, ông hàng bánh tôm đã quẩy gánh đến cửa trường rồi. Nhìn bề ngoài, hàng bánh tôm rong cũng giống như hàng phở rong hồi đó. Một bên gánh là một chiếc trạn cao chừng một mét, mặt trên bằng gỗ dùng làm bàn với các chai dấm, nước mắm, liễn đu đủ ngâm dấm... đặt trong các ô vuông hai bên. Giữa bàn đặt một cái đĩa to để rau sống. Dưới bàn là kho để rau sống đã rửa sạch, bột mì và tôm đã sơ chế... Bên kia là một cái chảo gang để rán bánh, đặt trên một cái bếp kiềng. Gầm bếp là nơi để củi. Ông chủ vừa rán bánh vừa bán hàng. Một xếp bánh đã rán xong, vàng ươm và toả mùi thơm phức được đặt trên một chiếc vỉ đặt ngang trên chảo. Trong chảo, những chiếc bánh rán dở nổi lềnh phềnh. Khi có khách, ông chủ cắt bánh vào một cái đĩa nhỏ đặt trên bàn và đưa cho khách một cái chén con đựng nước chấm có mấy lát đu đủ dầm dấm. Khách đứng quanh bàn, gắp rau sống và bánh chấm ăn nhồm nhoàm, vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Liễn đựng đu đủ dầm dấm đặt ngay trên bàn, bọn chúng tôi cứ tự múc. Rau sống ở đĩa, tha hồ gắp. Hôm nào trời rét, chúng tôi còn đứng quanh bếp, vừa sưởi vừa ăn.
Hiện nay, hàng thịt bò khô, hàng bánh tôm của Hà Nội vẫn còn. Bên hồ Trúc Bạch có cả một cửa hàng đặc sản, không những bán bánh tôm mà còn nhiều món ăn khác và ở chợ nào của Hà Nội cũng có hàng thịt bò khô, thường gọi là “nộm”, nhưng cái hương vị bánh tôm, thịt bò khô xưa hầu như không còn, một phần do cách chế biến được cải tiến, chất lượng không được như cũ, nhưng cái chính là không khí ăn bánh tôm, thịt bò khô của tuổi “nhất quỷ, nhì ma...” xưa không còn nữa